Tôi, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, thuộc CÔNG TY LUẬT TNHH HÃNG LUẬT HƯNG YÊN, Đoàn luật sư TP Hà Nội. Tôi tham gia phiên Tòa ngày hôm nay với tư cách là người bào chữa cho bị cáo LÊ THỊ HẠNH bị VKS nhân dân tỉnh Bình Dương truy tố hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4 Điều 139 BLHS 1999 theo Cáo trạng số 11/QĐ-KSDT-P1 ngày 15 tháng 7 năm 2016. Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của vụ án và diễn biến tại phiên tòa, Tôi cho rằng, cáo trạng, bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Bình Dương truy tố đối với bị cáo Lê Thị Hạnh về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4 Điều 139 BLHS 1999 như vậy là chưa xác đáng, chưa đúng với bản chất của sự việc cũng như đối với hành vi của bị cáo Hạnh.
I/ VỀ TỐ TỤNG: Quá trình điều tra, giải quyết vụ án có một số các vi phạm về tố tụng như sau:
1. Không trưng cầu giám định tài chính đối với hoạt động kinh doanh của Công ty Thương mại Đức Hạnh để xác định lãi, lỗ trong quá trình kinh doanh, để làm sáng tỏ việc lập báo cáo tài chính của công ty Đức Hạnh có đúng với thực tế hay không.
2. Có sai xót trong việc xử lý vật chứng:
2.1. Việc ngân hàng chuyển nhượng 02 quyền sử dụng đất bà Hạnh đã thế chấp ở ngân hàng và sử dụng số tiền bán được đó để trừ gốc của Khế ước 810 vào ngày 30/12/2014 (thời điểm này vụ án đã được khởi tố) là không đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
2.2. Không tiến hành định giá tài sản các quyền sử dụng bất động sản
3. Có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội
II/ VỀ NỘI DUNG:
Hành vi của Lê Thị Hạnh bị Cáo trạng số 11/QĐ-KSDT-P1 của Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Bình Dương xác định là cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng qua tài liệu, chứng cứ trong HSVA cũng như qua quá trình xét xử công khai tại phiên tòa sơ thẩm trước tôi thấy rằng: Lê Thị Hạnh không dùng thủ đoạn gian dối để lừa dối ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, đồng thời, bà Hạnh cũng không có hành vi chiếm đoạt số tiền 40 tỷ tiền vay của ngân hàng, do vậy, hành vi của Lê Thị Hạnh không thỏa mãn cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chính vì vậy, không thể truy tố Lê Thị Hạnh theo Điều 139 BLHS 1999 như trong bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định,vì vậy Tôi kính và đề nghị HĐXX lưu tâm xem xét và quyết định trong quá trình nghị án, bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất, bà Lê Thị Hạnh không có hành vi chiếm đoạt số tiền vay 40 tỷ đồng của ngân hàng Techcombank cũng như không hề có ý thức muốn chiếm đoạt số tiền vay của ngân hàng. Điều này thể hiện rất rõ qua các chứng cứ sau:
– Một là, Tại BL 4054, trích tài khoản giải ngân của Công ty Đức Hạnh thì từ ngày 21/12/2011 đến ngày 06/1/2012 ngân hàng tiến hành giải ngân cho công ty Đức Hạnh 6 lần (khế ước 808, 809, 810, 812, 813, 814) với tổng số tiền là 40 tỷ. Tuy nhiên, sao kê tài khoản thanh toán của Công ty Đức Hạnh năm 2011 thì thấy rằng, cũng trong thời gian từ ngày 20/12/2011 đến ngày 05/1/2012 ngân hàng Techcombank đã tiến hành tất toán các khế ước nhận nợ của công ty Đức Hạnh với số tiền 40 tỷ đồng (tất toán cho các khế ước 785, 788, 789, 790, 791 (BL 4183 – 4185)).
Từ các BL 4054, 4183, 4184, 4185 sao kê tài khoản giải ngân và tài khoản thanh toán của công ty Đức Hạnh (thống kê thành bảng như trên) thì cứ trước một hoặc 2 ngày giải ngân thì ngân hàng thu tất toán đối với công ty Đức Hạnh đúng số tiền được giải ngân. Điều này rất phù hợp với lời khai của bà Nguyễn Thị Diệu Nhơn tại các BL 375, 382 rằng “Theo hồ sơ vay tôi có ký giấy lãnh tiền mặt với số tiền 40 tỷ đồng trên 6 khế ước nhưng không nhận tiền”. Đồng thời, bằng chứng này cũng hoàn toàn trùng khớp với lời khai của bà Lê Thị Hạnh tại Phiên toà sơ thẩm ngày 28/02/2018, khi bà Hạnh được HĐXX hỏi “thời điểm ký 06 khế ước sau cùng thì nợ cũ của bị cáo còn hay đã trả hết?” bà Hạnh trả lời “Còn nợ cũ”, HĐXX hỏi “Ký khế ước mới với mục đích để làm gì” bà Hạnh trả lời “Để thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng trước” (BL 3979). Như vậy, có căn cứ để khẳng định rằng công ty Đức Hạnh không được giải ngân trên thực tế, việc giải ngân chỉ làm trên hồ sơ và số tiền đó hoàn toàn dùng để tất toán các khoản nợ cũ, công ty Đức Hạnh không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân nào trong thời điểm cuối năm 2011.
Mặt khác, nếu bà Hạnh có ý định chiếm đoạt số tiền 40 tỷ vay của ngân hàng thì sẽ không có hành vi thanh toán số tiền 40 tỷ cho các khế ước nhận nợ cũ (Ngày 21/12/2011 trên hồ sơ công ty Đức Hạnh được giải ngân 7 tỷ thì đến ngày
22/12/2011 công ty Đức Hạnh trả ngân hàng 7 tỷ,…). Có thể khẳng định bà Hạnh không hề nhận, giữ hoặc sử dụng số tiền 40 tỷ tiền vay của ngân hàng mà số tiền đó đã dùng để thanh toán nghĩa vụ cho các khế ước cũ.
– Hai là, Sau khi ký kết các khế ước nhận nợ vào cuối năm 2011, đến năm 2012 Công ty Đức Hạnh vẫn tiếp tục thanh toán tiền lãi của các khế ước nhận nợ. Tại các BL 4176, 4177 sao kê tài khoản công ty Đức Hạnh thì từ 01/02/2012 đến 15/03/2012 công ty Đức Hạnh trả lãi cho ngân hàng số tiền là 1.337.004.007 đồng.Có thể thấy rõ, nếu Công ty Đức Hạnh có hành vi chiếm đoạt số tiền 40 tỷ của ngân hàng bằng việc vay theo 06 kế ước nhận nợ thì sẽ không có việc công ty Đức Hạnh trả gốc các khế ước nhận nợ cũ và tiếp tục trả lãi sau đó với tổng số tiền vượt quá 40 tỷ đồng.
– Ba là, tại Biên bản bàn giao tài sản bảo đảm được lập giữa Ngân hàng Techcombank và Công ty TNHH Thương mại Đức Hạnh ngày 25 tháng 09 năm 2012 (BL 23) có thoả thuận nội dung “Tài sản bảo đảm sẽ được dung để thanh toán các nghĩa vụ trả nợ, thanh toán theo Hợp đồng tín dụng … Nếu còn thiếu thì Bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán tiếp cho Techcombank số tiền còn thiếu”. Trong đơn xin cứu xét bà Hạnh cũng có viết “Đúng ra khi vay tài sản cầm cố cho ngân hàng, nếu công ty Đức Hạnh mất khả năng thanh toán thì tất cả tài sản thuộc về ngân hàng, công ty không còn trách nhiệm, nhưng vì giữa ngân hang và công ty quá trình vay có mối quan hệ khách hàng, cho nên giữa công ty Đức Hạnh và ngân hàng đã có biên bản thoả thuận ngày 25/9/2012 sẽ bán hết tài sản cầm cố, nếu thừa thì ngân hang trả lại cho công ty Đức Hạnh, nếu thiếu thì công ty Đức Hạnh khắc phục tiếp cho ngân hàng”
Có thể thấy, bà Hạnh hoàn toàn không có ý thức chiếm đoạt số tiền vay, bà luôn có ý thức rằng sẽ phải trả hết nợ cho ngân hàng, nếu bán tài sản cầm cố mà thiếu thì công ty Đức Hạnh sẽ khắc phục tiếp.
– Bốn là, thống kê tài khoản giải ngân và tài khoản thanh toán của Công ty Đức Hạnh năm 2010, 2011 cho thấy, thực tế công ty Đức Hạnh ký các khế ước nhận nợ nhưng toàn bộ số tiền từ các khế ước nhận nợ này đều dùng để thanh toán
các khế ước nhận nợ cũ. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời khai của bà Lê Thị Hạnh trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên toà sơ thẩm ngày 28/2/2018 rằng “từ năm 2010 bị cáo không nhận tiền từ ngân hàng mà chỉ trên giấy tờ hợp thức hoá” (BL 3978). Thực tế các khế ước nhận nợ mới ký ra chỉ để dùng tất toán khế ước nhận nợ cũ, vì 04 tháng là đáo hạn. (Có bảng kê chi tiết đi kèm). Trong khi từ năm 2010, công ty Đức Hạnh trên thực tế không hề nhận được
tiền giải ngân từ ngân hàng nhưng hàng tháng công ty Đức Hạnh vẫn trả lãi đầy đủ với số nợ cũ. Theo thống kê từ tài khoản thanh toán của công ty Đức Hạnh, số tiền lãi công ty Đức Hạnh đã trả cho ngân hàng riêng trong năm 2011 là: 6.997.385.436đ, (Thống kê trả lãi từ các BL 4162 đến BL 4175)
Ngoài ra, việc bà Hạnh không trả được số nợ đối với khoản vay của ngân hàng ở năm 2012 là do kinh doanh thua lỗ, việc thua lỗ này chính bà Hạnh cũng không mong muốn.
Từ những chứng cứ trên cho thấy về bản chất, việc công ty Đức Hạnh làm hồ sơ tái cấp tín dụng năm 2011 và ký các khế ước nhận nợ năm 2010, 2011 nhằm để đáo hạn các khế ước nhận nợ cũ, trên thực tế, công ty Đức Hạnh không hề nhận
tiền từ việc giải ngân khác khế ước năm 2011. Tuy nhiên, công ty Đức Hạnh chưa bao giờ có ý thức chiếm đoạt cũng như có hành vi chiếm đoạt số tiền vay từ những năm trước của ngân hàng, sao kê tài khoản cho thấy công ty Đức Hạnh vẫn luôn thực hiện nghĩa vụ trả lãi cho ngân hàng kể cả trong năm 2010, 2011.
Chính vì vậy, có thể kết luận việc vay nợ giữa công ty Đức Hạnh và ngân hàng thuần tuý là giao dịch dân sự. Bà Hạnh luôn thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho đến khi mất khả năng thanh toán, bà Hạnh không có ý định chiếm đoạt tài sản của ngân hàng cũng như không hề có hành vi chiếm đoạt số tiền vay 40 tỷ đồng theo các khế ước nhận nợ cuối năm 2011 như Cáo trạng mô tả.
Thứ hai, các chứng cứ trong Hồ sơ vụ án đều thể hiện số tiêu bà Hạnh dùng làm tài sản bảo đảm để ký các hợp đồng tín dụng là số tiêu từ năm 2007, có năm bổ sung thêm theo yêu cầu của ngân hàng. Phía ngân hàng cũng nắm rõ được nội dung này và chấp nhận tiêu chưa đủ số lượng, chất lượng nhưng vẫn ký hợp đồng tín dụng nhằm mục đích phát triển hoạt động cho vay đối với các khách hàng kinh doanh Hồ tiêu. Chính vì vậy, không thể quy buộc bị cáo Hạnh dùng thủ đoạn gian dối (kê khai về số lượng, chất lượng hồ tiêu không đúng thực tế), lừa gạt ngân hàng
nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền vay theo Hợp đồng tín dụng năm 2011 được. Các bằng chứng cụ thể như sau:
– Một là, theo Kết luận điều tra số 84/KLĐT-PC46 của Công an Tỉnh Bình Dương, trang 5 kết luận thì “khối lượng tiêu cầm cố cho Techcombank BD vào thời điểm tháng 12/2011 để vay 40 tỷ đồng là khối lượng tiêu phế phẩm cũ mà Công ty Đức Hạnh đã cầm cố trước đây”. Tại BL 349 Lời khai của Trần Việt Dũng (trưởng phòng giao dịch Sóng Thần 12/2011-04/2012): “Việc giải chấp hàng hóa và thế chấp vay thực tế không có diễn ra mà chỉ làm trên hồ sơ, giấy tờ”. Cũng theo Lời khai của Thái Hữu Duẩn (chuyên viên tín dụng giải quyết hồ sơ vay Công ty Đức Hạnh từ 4/2010 đến 10/2012) (BL 362) thì “Việc giải chấp hàng hóa chỉ thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ thực tế hàng hóa là hàng hóa cũ mà đã cầm cố từ những năm về trước”. Như vậy, kết luận điều tra cũng đã xác định rõ số tiêu cầm cố theo hồ sơ năm 2011 là số tiêu đã cầm cố của những năm trước, từ lời khai của các cán bộ ngân hàng cũng cho thấy ngân hàng hoàn toàn nắm được nội dung này.
– Hai là, Tại các BL 509, BL 539, BL 570, BL 696, BL 656, BL 657 là các Biên bản kiểm tra, định giá tài sản bảo đảm các ngày 20/12/2011, 22/12/2011, 26/12/2011, 30/12/2011, 5/1/2012 được tiến hành giữa 2 bên, 1 bên là ngân hàng
Techcombank, 1 bên là công ty TM Đức Hạnh, trong các Biên bản này, bên A (ngân hàng) đã xác định là tiến hành kiểm đếm thực tế đủ số lượng hàng hoá cầm cố. Về hiện trạng hàng hoá cũng được xác định là hàng đóng gói trong bao, trọng lượng bình quân là 50kg/bao, có bảo vệ công ty AMCs canh giữ. Mặt khác, theo bà Lê Thị Hạnh khai “Về chất lượng hàng hóa thì thực tế các cán bộ ngân hàng đều biết rõ vì hàng tháng, họ đều có đi kiểm tra thực tế ở kho” (BL 310, 314)
Như vậy, lô hàng cầm cố của công ty Đức Hạnh luôn được xác định kiểm tra trước khi tiến hành ký các khế ước nhận nợ, bảo vệ của phía ngân hàng luôn canh giữ. Thực tế, số lượng tiêu cầm cố không đủ số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể thấy rằng ngân hàng biết rõ việc số tiêu bà Hạnh cầm cố không đủ chất lượng và số lượng nhưng vẫn xác nhận để hoàn tất thủ tục giải ngân.
– Ba là, ở mỗi hợp đồng tín dụng, ngân hàng đều phải lập báo cáo thẩm định. Báo cáo thẩm định của hợp đồng tín dụng năm 2011 thể hiện tại BL 480 – BL 489. Theo đó, Báo cáo tài chính của công ty Đức Hạnh không được kiểm toán, phía ngân hàng phân tích về tình hình tài chính của công ty Đức Hạnh bao gồm khả năng sinh lời, mức độ tăng trưởng, khả năng thanh toán, chỉ số đòn bẩy và các phân tích khác để từ đó xét duyệt cho công ty Đức Hạnh tái cấp hợp đồng tín dụng năm 2011.
Từ tất cả các quy trình nghiêm ngặt trong thủ tục cấp hạn mức tín dụng, ký kết khế ước nhận nợ, bảo quản tài sản đảm bảo cho thấy không thể có việc phía ngân hàng không biết về tình trạng lô hàng hồ tiêu công ty Đức Hạnh thế chấp cũng như báo cáo tài chính của công ty Đức Hạnh chưa được kiểm toán. Tuy nhiên, phía ngân hàng vẫn tái cấp Hợp đồng tín dụng vào năm 2011 để nhằm mục đích dùng số tiền giải ngân mới để tất toán số khế ước cũ. Theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999:
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm Về mặt khách quan, hành vi khách quan của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối (đưa ra thông tin sai sự thật để lừa gạt người bị hại) và chiếm đoạt tài sản. Ở vụ án này, việc hồ tiêu không đủ số lượng và chất lượng đã được ngân hàng biết rõ, do vậy, không thể coi rằng bà Hạnh đã dùng thủ đoạn gian dối để lừa gạt ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, từ những bằng chứng hết sức rõ ràng tại tài khoản giải ngân và tài khoản thanh toán của công ty Đức Hạnh cho thấy bà Hạnh không hề có hành vi chiếm đoạt tài sản của ngân hành từ việc ký 06 khế ước nhận nợ cuối cùng, Toàn bộ số tiền được giải ngân từ những khế ước đó đều được dùng để trả ngân hàng.
Từ những phân tích trên cho thấy không có căn cứ để kết luận hành vi của bà Lê Thị Hạnh cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một lần nữa kính mong HĐXX cân nhắc các tình tiết của vụ án để đưa ra phán quyết đúng đắn, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ Tôi, bị cáo Lê Thị Hạnh.