EnglishVietnamese

LUẬN CỨ GIẾT NGƯỜI, CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

LUẬN CỨ GIẾT NGƯỜI, CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Vụ án giết người, cố ý gây thương tích xảy ra tại quán Karaoke Kington làm 2 (hai) người thiệt mạng. Nội dung vụ án như sau:

Ngày 21/7/2017 Công cùng nhóm anh em có đến quán Karaoke Kington để hát, Công là khách quen tại đây. Trước đó, Công đã có gọi điện cho Xuân là chủ quán để đặt phòng và yêu cầu có nhân viên nữ phục vụ. Khi đến quán được 1 thời gian nhưng không có nhân viên phục vụ nên có phát sinh mâu thuẫn nhỏ dẫn đến Công có hành động quá khích làm hư hại 2 tài sản là 1 micro và 1 thùng rác có gạt tàn, và Công đã có lời đề nghị sẽ bồi thường những tài sản hư hại trên. Tuy nhiên, phía quán đã đưa một số thành phần xã hội đen đến đe doạ Công dẫn đến các bên đánh nhau và gây thiệt mạng cho 2 người Nguyễn Đức Bảng và Phạm Duy Thành.

Quá trình xảy ra vụ án được chia rõ ràng theo 2 giai đoạn, mâu thuẫn tranh cãi trong 2 giai đoạn cũng hoàn toàn khác nhau.

Giai đoạn 1: tranh cãi mâu thuẫn do việc thiếu nhân viên nữ phục vụ

Khi Công cùng anh em đến quán Kington, do đã gọi điện cho Xuân đặt phòng trước cũng như yêu cầu nhân viên nữ phục vụ. Tuy nhiên, khi đến thì không có những nhân viên như yêu cầu dẫn đến các bên có tranh cãi qua lại và Công làm hỏng micro và thùng rác có gạt tàn thuốc. Sau đó, khi quán điều nhân viên đến phòng của Công thì các bên cũng giải quyết ổn thoả, Công cũng đề nghị sẽ bồi thường cho phần thiệt hại mà mình gây ra. Công và nhóm anh em trở lại phòng và tham gia hát bình thường, không có ồn ào nào thêm. Sự việc các bên có mâu thuẫn từ việc không có nhân viên phục vụ đã chấm dứt.

Giai đoạn 2: tranh cãi mâu thuẫn do tranh cãi giữa Công Thành Bản và Tình, Linh.

Tuy nhiên, khi mọi chuyện tưởng như đã êm đềm thì Huệ, Tình và Linh lại theo chỉ thị của Xuân đến gặp Công để nói chuyện. Theo đó, Tình và Linh mang theo hung khí đến. Công và anh em đang đi từ phòng vệ sinh trở về phòng hát karaoke thì Tình và Linh chặn lại, yêu cầu giải quyết về việc ồn ào, chủ yếu là để dằn mặt và đe doạ Công. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần Công yêu cầu gọi cho Xuân để giải thích nhưng Huệ, Tình và Linh từ chối, dùng lời lẽ đe doạ và cuối cùng thì xảy ra việc đánh giết nhau dẫn đến thiệt hại về tính mạng.

Quá trình diễn ra vụ việc được camera ghi lại đầy đủ. Theo kết luận điều tra của CQCSĐT và cáo trạng của VKS xác định, Nguyễn Hữu Xuân không tham gia vào quá trình đánh nhau và không có căn cứ cho rằng Nguyễn Hữu Xuân đã có hành vi cố ý giết người. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ chúng tôi có những ý kiến pháp lý đối với vụ án, Cụ thể như sau:

  1. Lời khai của Tình, Xuân là người gọi cho Tình và yêu cầu Tình gọi thêm người đến quán, yêu cầu xử lý nhóm Công (BL 276,278, 301). Tại BL 276 Xuân yêu cầu Tình nếu nhóm Công cà chớn sẽ đập luôn.

    Tại bút lục 276, 278 lời khai của Phạm Thái Văn Tình tại bản tự khai ngày 26/7/2017 về việc Xuân gọi điện cho Tình đến quán đề dàn xếp với nhóm của Công. Theo đó, Xuân đã yêu cầu Tình có bao nhiêu anh em thì kêu lên hết, nhóm của Công đông lắm và nếu nhóm Công gây chuyện thì đánh luôn. Sau đó, Xuân còn gọi lại và yêu cầu Tình gọi thêm anh em vì nhóm Công đông. Hành vi này chứng minh động cơ xác định việc đã có hành vi chuẩn bị cho việc đánh nhau. Các cuộc gọi cũng được xác nhận tại biên bản kiểm tra điện thoại di động của Nguyễn Hữu Xuân tại bút lục 385.

    Tại bút lục 301 biên bản ghi lời khai của Phạm Thái Văn Tình, Tình khai sau khi đến quán đi lướt qua lại phòng số 10, Tình và Linh đi xuống tầng trệt đến phòng điều hành gặp Xuân đang ở trong phòng điều hành thì Xuân nói với Tình “coi ở gần đây có anh em nào không thì gọi điện thoại đến phụ luôn” lúc này Tình hiểu ý của Xuân là gọi người đến để phụ đánh nhau. Nếu chỉ để nói chuyện với Công thì Xuân đã không cần thiết phải nhiều lần yêu cầu Tình gọi thêm anh em đến và còn nhấn mạnh là tại nhóm Công đông nên cần thêm nhiều người nữa.

    Hành vi gọi Tình đến quán, yêu cầu Tình đem thêm anh em đến cho thấy Xuân có ý định đánh nhau. Đồng thời, Xuân cũng nói với Tình nếu nhóm Công có hành vi gây rối thì đánh luôn. Tình đến quán theo sự yêu cầu của Xuân, đồng thời còn gọi thêm người cho thấy 2 bên đã thống nhất ý chí đối với việc đánh nhóm Công. Do đó, ý chí đánh nhóm Công đã được thống nhất từ đầu với Xuân chứ không phải Tình tự ý đánh nhóm Công mà không qua thoả thuận. Đối với quán làm ăn lớn như Karaoke Kington, việc những thành phần như Tình có thể đến và đánh khách hàng trong quán không phải là hành động nhất thời hay tự ý mà phải có sự cho phép, sắp xếp từ chủ quán. Tình đến theo yêu cầu của Xuân, đồng thời các vũ khí Tình sử dụng trong quá trình đánh nhau cũng là vũ khí của quán Kington. Nếu Xuân không gọi, không chỉ đạo Tình cũng không biết để đến và cũng không thể tự ý đánh khách. Có thể thấy mối liên hệ mật thiết giữa Tình và chủ quán Kington là Xuân. Do đó, Xuân là người chủ mưu trong vụ án này

  2. Xuân chỉ đạo việc đánh nhau

    Tại bút lục 281 bản tường trình của Phạm Thái Văn Tình, sau khi Tình đến quán và được Xuân chỉ số phòng mà nhóm Công đang ngồi. Xuân đi ra ngoài, một lúc sau thì Xuân gọi điện cho Tình hỏi tình hình. Xuân nói với Tình kêu tụi nó chơi ở đó chờ Xuân, Xuân sẽ về liền, đồng thời kêu Tình đem đồ (vũ khí) ra trước sẵn đi để chút nhóm Công ra về tụi nó quậy.

    Hành vi trên của Xuân rõ ràng là thống nhất ý chí, chỉ đạo cho việc Tình và nhóm anh em có thể xử lý nhóm của Công trong trường hợp nhóm Công có hành động quấy rối. Xuân yêu cầu đem vũ khí ra để sẵn trong các gốc cây để khi cần là sử dụng luôn, hành vi này là chuẩn bị sẵn sàng cho việc đánh nhau, hơn nữa là đã thực hiện nhiều lần, nên khi chỉ cần nói đem “hàng” ra sẵn là Tình đã biết đi lấy ở đâu và để ở đâu khi cần.

    Từ những căn cứ trên, cho thấy Xuân là người chủ mưu cho việc đánh nhau. Đặc biệt còn là người yêu cầu Tình cùng đồng bọn đến, dặn dò việc chuẩn bị hàng sẵn cũng như cho phép đánh nhóm Công nếu như nhóm Công có hành vi quá khích. Nếu không có sự hướng dẫn, cho phép của Xuân, Tình và đồng bọn cũng như nhân viên của quán Kington đã không biết hoặc không dám đánh khách tại quán như sự việc trên.

    Việc cơ quan điều tra kết luận Xuân không liên quan đến vụ việc đánh nhau là không có căn cứ, bỏ lọt tội phạm. Chúng tôi với tư cách là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại yêu cầu làm rõ vai trò chủ mưu của Xuân trong vụ việc trên.

  3. Mâu thuẫn lời khai giữa Huệ cho rằng Huệ cầm thanh sắt đánh vào phần thuỷ tinh ống dẫn nước, Phúc khai nghe tiếng súng bắn (BL204). Chỉ có một âm thanh, vậy là súng hay tiếng đập thanh sắt?

    Tại bút lục 193 biên bản hỏi cung bị can Nguyễn Hữu Huệ, Huệ khai quá trình trên sân thượng, Xuân chỉ hỏi Công tại sao lại quậy quán thì Công xin tha, Xuân đồng ý. Huệ đã lấy thanh gỗ đập vô máy nước nóng năng lượng mặt trời tạo ra tiếng nổ. giải thích cho hành động này Huệ cho rằng vì  Công và Xuân cãi nhau, Huệ nói không nghe nên đã tạo tiếng động để gây chú ý. Tuy nhiên, giải thích trên của Huệ là không có căn cứ. Bởi căn cứ theo lời khai, nếu chỉ đơn giản Xuân và Công chỉ nói những lời trên thì không có lý do gì Huệ phải tạo ra tiếng động lớn để gây sự chú ý cả.

    Tại bút lục 201 Phúc khai thấy Xuân cầm cây súng đi lên, Tình Huệ cùng đi theo hướng đến lầu 2 ra sân thượng, có người bỏ chạy lên sân thượng thì Xuân rượt theo và nghe tiếng súng. Tiếng súng bắn và tiếng gõ vào bình nước nóng không giống nhau, gõ vào bình sẽ tạo tiếng vang kéo dài, còn súng thì không. Yêu cầu thực nghiệm hiện trường để xác nhận tiếng nổ.

    Tại BL 305 Tình khai trong quá trình đánh nhau có thấy Xuân cầm súng chạy từ ngoài sân vào trong quán để đánh nhau, thấy Xuân cầm súng chạy thẳng lên lầu và nghe tiếng súng nổ dù không biết ai nổ súng.

    Tại bút lục 210 biên bản ghi lời khai của Nguyễn Hồng Phúc ngày 22/7/2017 Phúc khai Xuân cầm 1 cây súng loại súng gấp cán bằng gỗ khi đi lên lầu đuổi theo 1 người khách, Phúc ở dưới lầu thì nghe tiếng súng nổ, lúc này có 2 người đi xuống từ sân thượng nói: “ông Xuân bắn chỉ thiên tưởng đâu ông bắn nó”. Vậy tiếng phát ra là tiếng súng hay tiếng đập bồn thuỷ tinh. Và 2  người từ sân thượng đi xuống là ai, đã chứng kiến cảnh Xuân bắn chỉ thiên như thế nào. Về điều này cần làm rõ, nếu có người chứng kiến cảnh Xuân bắn chỉ thiên vậy tại sao lại có lời khai Huệ đánh vào bồn thuỷ tinh tạo tiếng nổ trong khi 2 âm thanh này hoàn toàn khác nhau.

    Từ những căn cứ trên cho thấy đã có tiếng súng nổ, hoàn toàn không phải là tiếng thanh gỗ đánh vào bình nước nóng. Vậy Xuân đã có sử dụng khẩu súng được ghi nhận tại bản ảnh camera. Hơn nữa, cần làm rõ khẩu súng mà Xuân đã cầm tại thời điểm diễn ra vụ án, theo lời khai Xuân khai nhận nhặt được tại bải đất trống tuy nhiên điều này là không hợp lý và cũng k có căn cứ chứng minh cho việc khẩu súng là do Xuân nhặt được.

    Theo lời khai của Công, Xuân đã đưa súng bắn vào người Công. Tuy nhiên, kết luận giám định lại cho rằng vết xước trên cánh tay của Công không phải là vết do đạn bắn. Hiện trường tại sân thượng quán Kington vẫn chưa được khám nghiệm và thực nghiệm lại sự việc để xác nhận có phải Xuân đã bắn Công hay không? Và nếu bắn thì có trúng Công hay không? Viên đạn có được tìm thấy hay không?.

  4. Có những chứng cứ cho thấy việc Xuân cho xã hội đen đánh khách tại quán

    Sau khi vụ án được đem ra xét xử, nhiều người đã lên tiếng tiết lộ về những sự việc thường xảy ra tại quán, những vụ đánh khách đến bị thương nhưng lại không có bất cứ một cơ quan can thiệp.

    Điển hình là nhiều nhân viên từng làm việc tại quán Karaoke Kington đã tiết lộ, trong phòng điều hành của quán có rất nhiều vũ khí, đầy đủ các loại. Thường trực ở quán luôn có những thành phần xã hội đen chuyên bảo kê cho quán, đã nhiều lần đánh khách tại đây. Những nhận định trên là hoàn toàn có căn cứ khi mà ngày xảy ra vụ việc trên, Huệ đã yêu cầu Phúc lên kho lấy hàng (mã tấu, vũ..) để trải khắp nơi quanh quán (Lời khai Phúc tại bút lục 808). Bất ngờ trong hoàn cảnh đó, chỉ cần nói lên lấy hàng nhân viên đã biết được lấy ở đâu, và vũ khí thì sẵn có tại quán. Chứng tỏ rằng việc sử dụng những vũ khí trên không có gì xa lạ.

    Việc tàn trữ nhiều loại vũ khí nguy hiểm trong quán và các nhân viên cũng biết rõ vị trí cất giấu hàng (vũ khí), dễ dàng lấy ra khi “cần thiết” là vô cùng nguy hiểm, các vũ khí đều là vũ khí có tính sát thương cao. Do vậy, khi mâu thuẫn xảy ra, dù không phải mâu thuẫn lớn hay xung đột quyết liệt, vẫn dẫn đến sự việc đánh nhau đến tử vong. Các nhân viên cùng người của Kington dễ dàng sử dụng những vũ khí khi xảy ra tranh cãi. Điển hình trong vụ án trên, mâu thuẫn ban đầu vốn dĩ đã được giải quyết ổn thoả, nhóm Công đã tiếp tục sử dụng dịch vụ, đồng ý bồi thường và không có ồn ào gì thêm thì Huệ cùng nhóm Tình đến đe doạ dẫn đến đánh nhau, sử dụng các vũ khí đã chuẩn bị sẵn đánh người đến thương vong. Mức độ nguy hiểm đối với hành vi tích trữ vũ khí, cho người bảo kê quán của quán Kington là đáng lưu ý và cần làm rõ.

  5. Hành vi của Hoàng Văn Hưng là cố ý giết người

Tội giết người và cố ý gây thương tích khác nhau

Khi Hoàng Văn Hưng đến quán, liền lấy cưa để sẵn trong cốp ô tô , vừa lúc Phạm Duy Thành chạy ra, lúc này người của Phạm Duy Thành đã bị thương, nhưng khi Hưng vừa thấy Thành, liền dùng cưa chém vào người Thành 2 nhát, chém từ trên xuống trúng vào đầu Thành 1 nhát. Thành bỏ chạy ra ngoài, Hưng vẫn cố rượt theo chém trúng vào người Thành 3 nhát.

Hành vi trên của Hưng là hành vi có mục đích tước đoạt tính mạng của Thành. Sau khi chém trúng Thành 2 nhát, Thành bỏ chạy nhưng Hưng vẫn không tha, rượt theo để chém thêm và trúng vào người Thành 3 nhát. Mức độ tấn công của Hưng là nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người. Chém liên tục trong khi nạn nhân không đủ khả năng chống trả.

Vị trí tác động trên cơ thể là đầu, vai. Phần đầu vô cùng nguy hiểm, Hưng chém từ trên xuống trúng vào đầu Thành, rõ ràng Hưng biết việc chém như vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng của Thành nhưng vẫn cố tình chém rất nhiều nhát vào Thành.

Vũ khí, hung khí mà Hưng đã sử dụng: Hưng dùng cưa là hung khí nguy hiểm, có tính sát thương cao. Hung khí này được Hưng để sẵn trong cốp xe của mình, và sẵn sáng mang ra chém người. Hành vi này của Hưng là vô cùng nguy hiểm cho xã hội.

Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích, người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Nhưng đối với Hưng, là hành vi mong muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Hành vi của Hưng là đủ cấu thành tội giết người.

Trên đây là toàn bộ nhận định của tôi. Kính mong HĐXX xem xét

Xin chân thành cảm ơn!

ĐẶNG VĂN HIẾN

ĐẶNG VĂN HIẾN

Tôi, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, thuộc CÔNG TY LUẬT TNHH HÃNG LUẬT HƯNG YÊN, Đoàn luật sư TP Hà Nội. Tôi tham gia phiên Tòa ngày hôm nay với tư cách là người bào chữa cho các bị cáo: Đặng Văn Hiến bị tuyên phạt tử hình về tội “Giết người” theo Điểm a, n Khoản 1 Điều 93 BLHS 1999, Ninh Viết Bình bị tuyên phạt 20 năm tù giam về tội “Giết người” theo Điểm a Khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 và Đoàn Văn Diện bị tuyên phạt 09 tháng tù giam về tội “Che giấu tội phạm” theo Khoản 1 Điều 313 BLHS 1999 trong bản án Hình sự sơ thẩm số 01/2018/HS-ST ngày 03 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân Tỉnh Đắk Nông.
Theo Tôi, việc xác định tội danh và mức hình phạt của Tòa án nhân dân Tỉnh Đắk Nông như vậy là có phần quá nghiêm khắc, và chưa đúng với bản chất của sự việc cũng như đối với hành vi, nhân thân của bị cáo Hiến, bị cáo Bình và bị cáo Diện
Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm ngày 03/01/2018, Tôi cho rằng, việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Có tính chất côn đồ” theo Điểm n, Khoản 1, Điều 93 BLHS 1999 đối với bị cáo Hiến và việc truy cứu TNHS đối với bị cáo Diện theo Khoản 1 Điều 313 BLHS 1999 là chưa xác đáng, việc quyết định hình phạt như trong bản án sơ thẩm cũng có phần quá nghiêm khắc.
Hành vi của Đặng Văn Hiến (cụ thể là hành vi bắn Điểu Tào và Điểu Vinh) bị Bản án sơ thẩm số 01/2018/HS-ST của TAND Tỉnh Đắk Nông xác định là thuộc tình tiết tăng nặng định khung “Có tính chất côn đồ” nhưng qua tài liệu, chứng cứ trong HSVA cũng như qua quá trình xét xử công khai tại phiên tòa sơ thẩm tôi thấy rằng: Hành vi phạm tội
của bị cáo Hiến được thực hiện “trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân hoặc người khác gây nên”, chính vì vậy, không thể áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Có tính chất côn đồ” như trong bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông quyết định, vì vậy Tôi kính và đề nghị HĐXX lưu tâm xem xét
và quyết định trong quá trình nghị án, bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất, Công ty Long Sơn đã có những hành vi vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật trong một thời gian dài, gây ra bức xúc cho người dân tiểu khu 1535 nói chung và bị cáo Hiến nói riêng. Đồng thời, hành vi san ủi trái phép ngày 23/10/2016 của công ty Long Sơn đã làm bị cáo Hiến kích động, dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể:
– Từ năm 2008, sau khi được UBND Tỉnh Đắk Nông ra Quyết định số 241/QĐ-UBND cho thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng trên diện tích 1.079 ha đất trong đó có đất tại Tiểu khu 1535, Công ty Long Sơn đã tự ý tổ chức san ủi cây cối, hoa màu trên các mảnh đất mà người dân đang xâm canh mà không bồi thường dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài của người dân. Và việc này vẫn liên tục tiếp diễn kể cả khi UBND tỉnh Đắk Nông có yêu cầu Công ty Long Sơn thực hiện thỏa thuận, bồi thường về cây cối và hoa màu cho các hộ dân có đất xâm canh tại dự án của Công ty Long Sơn (theo BL 2346 – Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 02/08/2010 về giải quyết đơn khiếu nại)
– Thậm chí, năm 2013, Công ty Long Sơn đã có lần tự ý tổ chức cưỡng chế giải tỏa một cách trái phép với tổng số đối tượng tham gia là 130 người trong đó có khoảng 60 người là do đối tượng xã hội đen (Thành “nghĩa địa”) cầm đầu đã sử dụng dao, gậy,…. để chặt phá cây trồng của người dân (Báo cáo 254/BC-UBND ngày 29/3/2013 của UBND huyện Tuy Đức ngày 29/3/2013 – BL 2458). Mặc dù sau đó UBND huyện Tuy Đức có đến làm việc nhưng công ty Long Sơn vẫn có ý định tiếp tục tổ chức giải tỏa một cách trái phép (Báo cáo số 328/BC-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Tuy Đức ngày 11/4/2013 – BL 2493)
– Đến năm 2015, 2016, mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định về việc thu hồi một phần diện tích đã cho công ty Long Sơn thuê, trong đó có toàn bộ 265,4 ha đất đã trồng Điều thuộc dự án của Công ty Long Sơn nhưng công ty Long Sơn không chấp hành quyết định thu hồi đất và vẫn tiếp tục đưa lực lượng cưỡng chế, giải tỏa tải sản một cách trái phép trên đất của nhân dân đang chiếm dụng để canh tác (BL 2437 – Công văn số 1478/TN&MT-QHGĐ của Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông ngày 11/11/2016 trả lời và cung cấp hồ sơ tài liệu cho Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an và qua các lời khai của Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Lê Phi Thông, Trần Văn Tâm (nhân viên công ty Long Sơn))
– Theo lời khai của Hoàng Thị Ngần (BL 793) thì trong các lần san ủi cây trước
ngày 23/10/2016, công ty Long Sơn có trang bị tuýp sắt, gậy cho công nhân để chống lại người dân, theo Lời khai của Ninh Viết Bình (BL 173) thì công ty Long Sơn còn thuê cả xã hội đen để đánh đập, đe dọa người dân để lấy đất.
– Cho đến vụ việc xảy ra ngày 23/10/2016, trước đó, từ ngày 15/10/2016, công ty Long Sơn đã tổ chức họp bàn, lên kế hoạch, trang bị áo giáp, lá chắn, gậy, đá, quần áo bảo hộ, và tập dượt cho nhân viên sử dụng các trang bị chống lại người dân. Không chỉ vậy, liên tiếp từ đầu tháng 10 cho đến trước ngày 23/10/2016, Công ty Long Sơn thuê thêm rất nhiều nhân viên bảo vệ, cụ thể: Lê Anh Nghĩa (22/10/2016), Điểu Tư (18/10/2016), Điểu Tuấn Vũ (giữa tháng 10/2016), Điểu Vinh (18/10/2016), Điểu Đào (18/10/2016), Điểu Hồng (10/10/2016), Điểu Duy (04/10/2016), Điểu Thân (20/10/2016), Điểu Dân (03/10/2016), Điểu Ka và Xì Cồn (đầu tháng 10/2016), Lê Duy Phương (14/10/2016)

Thứ hai, vào ngày 23/10/2016, khi bị cáo Hiến cầm súng săn ra cửa sau đi đến chỗ công ty đang ủi thì bị người của công ty Long sơn xông tới, trên tay cầm gậy, đá. Bị cáo Hiến nổ súng chỉ thiên nhưng phía công nhân của công ty Long sơn vẫn xông tới ném đá vào bị cáo Hiến, sau đó bị cáo Hiến chạy vào nhà đóng cửa lại nhưng người công ty Long
sơn vẫn tiếp tục vây kín và ném đá vào nhà bị cáo Hiến. Thực tế, với số lượng công nhân công ty Long Sơn có đến hơn 30 người, cầm gậy gộc, đá, trang bị cả khiên chắn, áo giáp và quần áo, mũ bảo hộ. Đồng thời, số lượng công nhân này cũng đã được tập dượt trước để chống lại người dân tại tiểu khu 1535 thì trong trường hợp này bị cáo Hiến không còn
cách nào khác ngoài việc sử dụng súng để ngăn cản sự tấn công của nhóm công nhân đó với bị cáo và gia đình. Ngoài ra, tại các BL 789, 804, 807 (Lời khai của Hoàng Thị Ngần, cháu Hoàng Thị Phương Anh và anh Hoàng Văn Thắng) thì nhóm công nhân công ty Long Sơn xách giỏ đá, cầm gậy gỗ, xẻng, lá chắn và hô to “chúng mày đánh chết cho tao, không được thì đốt nhà” và “thằng nào lên thì đánh chết mẹ tụi nó luôn”. Ngay cả trong lời khai của Điểu An (BL 901) cũng thừa nhận “Anh Chính hô: nó có súng kìa bọn bay, dí nó”.
Rõ ràng, đối mặt với hành vi ngang ngược, hung hãn của một số lượng lớn công nhân công ty Long Sơn, trước tình cảnh nguồn sống duy nhất của gia đình (cây Điều) không còn, tinh thần bị cáo Hiến đã bị kích động, hoảng loạn, không kiểm soát được hành vi của bản thân nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986, Văn bản số 01/2017/GĐ- TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có hướng dẫn về trạng thái tinh thần bị kích động như sau:
“Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn
nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”
Như vậy, ở trường hợp vụ án này, hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn mang tính chất áp bức nặng nề, hành vi san ủi trái phép (phá hoại tài sản là nguồn sống của các gia đình mà không bồi thường) và sử dụng bạo lực đối với người dân tiểu khu 1535 lặp đi lặp lại, âm ỉ, kéo dài từ suốt 8 năm, tạo nên sự đè nén đối với không chỉ mình
Hiến mà còn toàn bộ những người dân tiểu khu 1535. Và đến thời điểm ngày 23/10/2016, hành vi san ủi trái phép của công ty Long Sơn lại một lần nữa xuất hiện với sự có mặt của một số lượng rất lớn công nhân công ty Long Sơn có trang bị vũ khí, hung hăng, quyết liệt đã ngăn cản Hiến bảo vệ tài sản của gia đình, đã coi thường sự cảnh cáo và đồng loạt tấn công Hiến, làm cho Hiến kích động, không thể tự kiềm chế được. Vậy, khi xét cả quá trình phát triển của sự việc, sự kích động này được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
Thứ ba, khoảng thời gian từ khi bị cáo Hiến bắn phát súng đầu tiên vào các công nhân công ty Long Sơn cho đến khi 3 nạn nhân chết và cả đến khi bị cáo Hiến đến nhà anh Lập bị cáo Hiến vẫn còn ở trong trạng thái kích động, hoảng loạn. Hay nói cách khác, tại thời điểm Hiến bắn vào Điểu Tào và Điểu Vinh do không cởi đồng phục của công ty Long Sơn và cởi chậm, Hiến vẫn ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và mơ hồ về hành vi của bản thân. Điều này thể hiện qua các chứng cứ sau:
Theo Biên bản thực nghiệm điều tra ngày 09/05/2017 của cơ quan điều tra (BL 226) thì khoảng cách Hiến bắn Điểu Tào và Điểu Vinh là khoảng 23m. Trong KL Điểu tra (BL 938) còn xác định khoảng cách giữa Hiến và công nhân công ty Long Sơn là khoảng 30m. Với một khoảng cách tương đối, cộng thêm thời tiết mưa, trong khu vực nhiều cây cối, bị cáo Hiến đã bắn vào các nạn nhân một cách không chủ đích, không cố tình nhằm vào các vị trí trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân. Chính vì vậy, việc Tòa án nhân dân Tỉnh Đắk Nông nhận định trong bản án sơ thẩm là “ Hành vi sử dụng súng bắn
vào những người này (Điểu Tào, Điểu Vinh) ở cự ly gần, trong khi họ hoàn toàn không còn khả năng tự vệ, nhằm vào vùng trọng yếu nhất của cơ thể họ để bắn” chưa thực sự hợp lý.
– Theo lời khai của Đặng Ngọc Chính (một trong số những nạn nhân có mặt cùng chỗ với Điểu Tàu, Điểu Vinh) (BL 873,874) và LK của Đoàn Thị Mai (BL 849) thì bị cáo Hiến bắn Điểu Vinh sau khi bị Đoàn Thị Mai đẩy đi. Đồng thời, chính chị Mai cũng khẳng định là không xác định được người bị Hiến bắn có chết hay không. Như vậy, ngay cả người sát bên cạnh đang đẩy Hiến đi cũng ko xác định được Hiến bắn vào bộ phận nào trên cơ thể nạn nhân, nạn nhân có chết hay không.
– Ngoài ra, Bản thân bị cáo Hiến sau khi vào nhà cũng không xác định được mình có bắn chết ai không và tinh thần vẫn rất hoảng loạn, mơ hồ (Theo LK Hà Văn Trường: Hiến nói với chúng tôi là đã dùng súng bắn bọn bảo vệ công ty Long Sơn, không biết có ai chết không (BL 245); Hiến cầm súng và đạn vứt bên gác nhà bên trái và nói từ nay tao
không dùng súng nữa (BL 249) và Hiến còn nói là định tự tử hoặc ra đầu thú (BL253,254))
Rõ ràng, khi thực hiện hành vi phạm tội (ở cả trường hợp dùng súng bắn vào Điểu Vinh, Điểu Tào) Hiến luôn ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn và nhóm công nhân công ty Long Sơn gây nên. Chính vì vậy, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Hiến ở đây không thể coi là vì nguyên
nhân “vô cớ, nhỏ nhặt” được. Thứ tư, Đặng Văn Hiến có nhân thân tốt. Cụ thể: Đặng Văn Hiến không có tiền án
tiền sự, trong quá trình sinh sống trước khi phạm tội cũng không có bất hòa xích mích với hàng xóm láng giềng.
Hiện nay mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn thế nào được coi là “có tính chất côn đồ”, tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết án lâu nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang vận dụng một số hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, theo đó phạm tội có tính chất côn đồ được hiểu là “hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá
rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự của người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt. Chính vì vậy, khi xác định hành vi phạm tội có tính chất côn đồ hay không cần phải xem xét một cách toàn diện, không chỉ hành vi cụ thể mà người phạm tội thực hiện mà còn phải xem xét hoàn cảnh, địa điểm xảy ra tội phạm, nhân thân người phạm tội.
Ở toàn bộ sự việc xảy ra ngày 23/10/2016, rõ ràng bị cáo Hiến phạm tội là do đã bị kích động về tinh thần rất nghiêm trọng do những hành vi vi phạm pháp luật kéo dài của công ty Long Sơn và hành vi vi phạm pháp luật của công nhân công ty Long Sơn. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Hiến không phải là nguyên nhân vô cớ, nhỏ nhặt, có tính chất côn đồ được.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng việc áp dụng Điểm n, Khoản 1, Điều 93 “Có tính chất côn đồ” cho bị cáo Hiến như trong Bản án sơ thẩm số 01/2018/HS-ST là không hợp lý, không có căn cứ pháp luật.
Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Hiến đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả của tội phạm (thuộc tình tiết giảm nhẹ theo Điểm b, Khoản 1, Điều 46) (Vợ bị cáo Hiến bồi thường cho người nhà ba nạn nhân là Điểu Tào, Điểu Vinh, và Dương Văn Tiến tổng số 62 triệu đồng và người nhà các nạn nhân này đều có đơn xin giảm án đối với Hiến). Ngoài ra, bị cáo Hiến Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra (thuộc tình tiết giảm nhẹ theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 46 BLHS 1999); bị cáo Hiến thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải ( tình tiết giảm nhẹ theo Điểm p, Khoản 1 Điều 93). Ngoài ra, cần xem xét giảm nhẹ TNHS cho Hiến theo Khoản 2 Điều 46 do đã ra đầu thú (Công văn số 81/2002/TANDTC)

Với 3 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại Khoản 1 Điều 46, và được xem xét giảm nhẹ theo Khoản 2 Điều 46 BLHS 1999, kính mong HĐXX cân nhắc toàn diện nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của Bị cáo Hiến, áp dụng Điều 47 BLHS 1999 để quyết định hình phạt cho bị cáo Hiến dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo Khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 (dưới 15 năm tù giam).