VẤN ĐỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CỦA CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC
VẤN ĐỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CỦA CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC
Công chức, viên chức nhà nước có được thành lập doanh nghiệp hay không theo quy định pháp luật
Thành lập doanh nghiệp là hoạt động được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, những chủ thể nào được phép đăng ký thành lập doanh nghiệp? Công chức, viên chức có được thành lập doanh nghiệp hay không?
I.CĂN CỨ PHÁP LÝ.
- Luật doanh nghiệp năm 2014.
- Luật phòng chống tham nhũng năm 2018.
- Luật cán bộ, công chức năm 2008.
- Luật viên chức năm 2010.
- Nghị định 06/2011/NĐ-CP Nghị định quy định những người là công chức.
- Thông tư 08/2011/TT-BNV Thông tư hướng dẫn một số điều của nghị định số 06/2016 ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức.
II. Công chức, viên chức có được quyền thành lập doanh nghiệp không?
Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014
Tại điểm b Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: “b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;”.
Căn cứ theo Luật Viên Chức
Khoản 6 Điều 19 quy định những việc Viên chức không được làm
“6.Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Căn cứ dựa theo quy định tại Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018:
“2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
…
b) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
c) Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
d) Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;”
Theo căn cứ trên thì công chức, viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp, theo đó công chức và viên chức chỉ có thể tham gia góp vốn ở từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể:
- Đối với công ty cổ phần, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn mà không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của doanh nghiệp.
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thì cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia góp vốn ở loại hình doanh nghiệp này vì loại hình doanh nghiệp này khi tham gia đồng nghĩa với việc có tư cách thành viên mà có tư cách thành viên là có vai trò quản lý trong đó.
- Còn đối với công ty hợp danh thì cán bộ, công chức, viên chức chỉ có thể tham gia với tư cách là thành viên hợp vốn không được tham gia với tư cách hợp danh. Chỉ với tư cách hợp vốn thì họ mới không có khả năng quản lý doanh nghiệp.
Pháp luật quy định hạn chế quyền của công chức, viên chức trong việc thành lập và quản lý doanh nghiệp như vậy nhằm bảo đảm sự minh bạch, khách quan, tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, đồng thời là biện pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng có thể xảy ra. Hơn nữa, công chức vừa là người quản lý, vừa là người kinh doanh sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, dễ biến doanh nghiệp có những hoạt động để thu lợi bất chính.
Vì vậy, Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định công chức là người đứng đầu, cấp phó trong cơ quan Nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp quản lý hoặc để vợ/chồng; bố/mẹ; con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề đó.