Trách nhiệm bồi thường khi bị va chạm giao thông. Quy định về giám định thương tích như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành.
Tóm tắt câu hỏi:
Khi trên đường đi làm về tôi bị 1 xe máy say rượu chạy ngược chiều đụng tôi, tôi bị gãy tay (gãy đầu dưới xương quay về 2 ngón tay trên xương bàn). Xin cho tôi hỏi nếu vậy khi đi giám định tôi sẽ bị thương tích bao nhiêu phần trăm và được bồi thường như thế nào? Cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
1. Căn cứ pháp lý:
Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT – BYT – BLĐTBXH ngày 27 tháng 09 năm 2013
2. Nội dung tư vấn:
Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì bạn bị tổn hại về sức khỏe do va chạm với một chiếc xe máy chạy ngược chiều. Để xác định mức độ tổn thương của cơ thể và việc bồi thường cho bạn thì cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể/ thương tích của bạn khi đi giám định sau tai nạn.
Theo thông tin, bạn đi làm về, va chạm với một chiếc xe máy chạy ngược chiều và bạn đã bị gãy tay với việc gãy đầu dưới xương và hai ngón tay trên xương bàn. Trong trường hợp của bạn, việc xác định phần trăm thương tích được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT – BYT – BLĐTBXH quy định mới về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật. Trong đó về nguyên tắc và phương pháp xác định tỷ lệ thương tật/tổn hại cơ thể theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT – BYT – BLĐTBXH được xác định như sau:
“Điều 2. Nguyên tắc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể
1. Tổng tỷ lệ phần trăm (%) TTCT của một người không được vượt quá 100%.
2. Mỗi tổn thương cơ thể chỉ được tính tỷ lệ % tổn thương cơ thể một lần.
…
3. Nếu nhiều TTCT là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được nêu trong Bảng tỷ lệ quy định tại Điều 1 Thông tư này thì tỷ lệ % TTCT được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.
…
4. Nếu cơ thể được xác định có 01 (một) tổn thương thì tỷ lệ % TTCT là giới hạn cao nhất của tỷ lệ % tổn thương cơ thể đó.
…
5. Khi tổng hợp tỷ lệ % TTCT, chỉ được lấy giới hạn trên của tỷ lệ % TTCT cao nhất một lần, từ TTCT thứ hai trở đi, lấy giới hạn dưới của tỷ lệ % TTCT để tính, theo trình tự từ tỷ lệ % TTCT cao nhất đến tỷ lệ % TTCT thấp nhất.
6. Tỷ lệ % TTCT là số nguyên. Khi tính tỷ lệ % TTCT chỉ lấy hàng thập phân đến một chữ số. Nếu chữ số hàng thập phân lớn hơn hoặc bằng 5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị.
Điều 3. Phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể
1. Việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tính theo công thức sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
T1: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ nhất; T1 được xác định là tỷ lệ % TTCT cao nhất trong các TTCT.
T2: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ hai; T2 = (100 – T1) x giới hạn dưới của TTCT thứ 2/100%.
T3: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ ba; T3 = (100-T1-T2) x giới hạn dưới của TTCT thứ 3/100%.
Tn: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ n, Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x giới hạn dưới của TTCT thứ n/100%.
…”
Trong trường hợp của bạn, bạn bị gãy tay (gãy đầu dưới xương quay về gãy hai ngón tay trên xương bàn). Nhưng bạn không nói rõ, bạn bị gãy tay nhưng tình trạng của gãy đầu dưới xương như thế nào, và đây là trường hợp gãy đầu dưới xương cánh tay một bên hay gãy đầu dưới xương quay (kiểu Pouteau – Colless), và gãy ngón tay nào, gãy như thế nào. Trường hợp này, do thông tin không nêu rõ nên bạn cần căn cứ theo quy định tại Bảng 8. Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do tổn thương hệ Cơ – Xương – Khớp của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT – BYT – BLĐTBXH để xác định về tỷ lệ thương tích theo đặc điểm vết thương cụ thể:
- Xem xét về thương tích bạn bị gãy tay với đặc điểm gãy đầu dưới xương:
– Nếu bạn bị gãy đầu dưới xương cánh tay một bên thì nhưng với đặc điểm là gãy trên lồi cầu hoặc gãy giữa hai lồi cầu, hạn chế gấp, duỗi khớp khuỷu thì tỷ lệ thương tật của bạn đối với thương tích này được xác định từ 21% đến 25% theo quy định ở mục 1.8 Bảng 8 ban hành kèm theo Thông tư 28/2013/TT – BLĐTBXH.
Nếu bạn bị gãy đầu dưới xương cánh tay một bên với đặc điểm gãy trên lồi cầu hoặc gãy giữa hai lồi cầu, hạn chế gấp, duỗi khớp khuỷu nhưng can liền xấu, di lệch dẫn đến hậu quả cứng, hàn khớp khuỷu thì tỷ lệ thương tật được xác định như tỷ lệ tổn thương khớp khuỷu.
– Nếu bạn bị gãy đầu dưới cả hai xương cẳng tay sát cổ tay thì tỷ lệ thương tật được xác định như sau:
Trường hợp bạn bị gẫy đầu dưới cả hai xương cẳng tay sát cổ tay nhưng làm hạn chế chức năng khớp cổ tay ít và vừa (từ 1 đến 2/5 động tác cổ tay) thì tỷ lệ giám định thương tật được xác định từ 11% đến 15%; nếu làm hạn chế chức năng khớp cổ tay nhiều (trên 03 động tác cổ tay) thì tỷ lệ thương tật từ 21% đến 25%; nếu làm cứng khớp cổ tay tư thế cơ năng (0%) thì tỷ lệ thương tật từ 21% – 25%; nếu cứng khớp cổ tay tư thế gấp hoặc ngửa tối đa thì tỷ lệ thương tật được xác định từ 31% đến 35%; nếu làm cứng khớp cổ tay tư thế còn lại thì tỷ lệ thương tật được xác định từ 26% – 30%.
– Nếu bạn bị gãy đầu dưới xương quay (kiểu Pouteau – Colles) thì tỷ lệ thương tật được xác định như sau:
Trường hợp bị gẫy đầu dưới xương quay mà kết quả điều trị tốt, di chứng không đáng kể, thì tỷ lệ thương tật được xác định trong khoảng từ 6% đến 10%. Trường hợp gãy đầu dưới xương quay mà hạn chế vận động cẳng tay, cổ tay thì tỷ lệ thương tật được xác định từ 11% đến 15% theo quy định tại tiểu mục 2.8 Bảng 8 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT – BYT – BLĐTBXH.
- Về tổn thương của hai ngón tay trên xương bàn: Trong trường hợp này bạn không nói rõ, tổn thương của hai ngón tay là gãy xương một đốt ngón tay hay gãy xương bàn tay, có bị mất ngón tay hay không. Do bạn không nói rõ thông tin về việc gãy đầu dưới xương quay về hai ngón tay trên xương bàn nên rất khó để xác định tỷ lệ thương tật của người này.
Như vậy, do trong thông tin bạn không nêu rõ thương tích, vết thương của mình do tai nạn như thế nào nên bạn cần căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của mình, đối chiếu với phần Phụ lục và cách xác định tỷ lệ thương tật được quy định tại Điều 2, Điều 3 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT – BYT – BLĐTBXH để có sự xác định cụ thể. Tuy nhiên, để xác định chính xác mức độ tổn thương cơ thể do tai nạn giao thông gây ra bạn cần phải đến một tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn về việc giám định có thẩm quyền.
Thứ hai, về việc bồi thường đối với những tổn hại sức khỏe của bạn do va chạm giao thông với người đi xe máy kia.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại, căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc các bên có quy định khác.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng có quy định:
“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”
Xem xét trong trường hợp của bạn, người đi xe máy trong tình trạng say rượu, lại chạy ngược chiều đường nên đã gây ra thiệt hại về sức khỏe của bạn. Mặc dù trong thông tin không nêu rõ bạn có hành vi vi phạm quy định nào về an toàn giao thông đường bộ hay không, có lỗi trong việc gây ra việc va chạm giao thông này hay không, tuy nhiên, có thể thấy khi điều khiển xe trong tình trạng say rượu, lại chạy xe đi vào đường ngược chiều, người điều khiển xe máy này đã vi phạm quy định tại điểm i Khoản 4, Khoản 6, điểm c Khoản 8 Điều 6 Nghị định 46/2014/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Hành vi của người đi xe máy này đã dẫn đến việc va chạm với xe của bạn, gây ra việc gãy tay của bạn, nên người đi xe máy này được xác định là có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về sức khỏe cho bạn. Người đi xe máy sẽ phải có trách nhiệm bồi thường cho bạn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 584, Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015, do thông tin không nói rõ, bạn có hành vi vi phạm nào không, có phần lỗi nào trong việc gây ra tai nạn không, nên khi trách nhiệm bồi thường của các bên được xác định như sau:
– Nếu bạn không có lỗi trong việc gây ra vụ việc va chạm này, thể hiện ở việc bạn đi đúng làn đường, đúng phần đường, có đầy đủ giấy tờ, và không có bất kỳ hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông nào thì trường hợp này, người đi xe máy – người có lỗi trong việc gây ra tai nạn giao thông gây tổn hại cho sức khỏe của bạn sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.
– Nếu bạn có một phần lỗi trong việc gây ra vụ việc va chạm này, thể hiện ở việc bạn có một trong các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông thì trong trường hợp này, cả bạn và người đi xe máy đều có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại trong phạm vi mức độ lỗi do mình gây ra.
Căn cứ theo quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015, thì bạn và người đi xe máy có thể tự thỏa thuận về mức độ bồi thường, phương thức bồi thường. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ thực hiện việc xác định việc bồi thường sự theo sự quy định của pháp luật. Theo đó:
Về căn cứ xác định thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm, tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Chi phí này theo quy định tại tiểu mục 1.1, mục 1 Phần II Nghị quyết 03/2006/NQ – HĐTP sẽ bao gồm các khoản tiền như: tiền thuê phương tiện đưa người bị hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế, tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, tiền thuốc, tiền viện phí, tiền siêu âm, xét nghiệm, chi phí chiếu, chụp X – quang… theo chỉ định của bác sĩ…
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Trong đó, theo quy định tại tiểu mục 1.3, mục 1 Phần II Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP thì chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương. Còn thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại được xác định dựa trên việc người chăm sóc người bị thiệt hại có việc làm, có phát sinh thu nhập hay không, và việc phải nghỉ việc để chăm sóc người bị thiệt hại có ảnh hưởng đến thu nhập thực tế bị mất của người này hay không.
– Các thiệt hại khác.
– Ngoài ra, người gây ra thiệt hại còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trường hợp, việc va chạm giao thông không chỉ gây thiệt hại cho sức khỏe bị xâm phạm mà còn gây thiệt hại về tài sản của bạn, bạn vẫn có quyền yêu cầu bồi thường về tài sản bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định như sau:
“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định.”
Như vậy, dựa trên những thông tin bạn cung cấp, không nói rõ, bạn có lỗi trong việc gây ra vụ việc va chạm hay không, do vậy bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế, kết luận điều tra của cơ quan công an để xác định cụ thể về mức bồi thường, trách nhiệm bồi thường. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể tố cáo người này lên cơ quan công an về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.