- Trong lĩnh vực dân sự:
- Căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và Điều 584 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Căn cứ từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
- Trong lĩnh vực hành chính:
Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
“a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”
- Có thể bị xử lý hình sự:
Khi xúc phạm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác căn cứ tại Điều 155 BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017. Người nào xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Đối với 02 người trở lên;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Đối với người đang thi hành công vụ;
– Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
– Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 – 05 năm khi gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.